Trong Bài viết này, Chúng ta không bàn đến những giao dịch cho vay nặng lãi hoạt động theo kiểu xã hội đen, trái pháp luật, có tính chất tội phạm - Mà Chúng ta chỉ bàn về những giao dịch vay phù hợp với quy định của pháp luật dân sự, không tính lãi suất hoặc chỉ tính lãi trong mức độ cho phép của luật, nhất là các khoản vay mang tính chất tương trợ, giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn giữa những Người thân thích hay có quen biết lẫn nhau.
Có nhiều Người (Bên cho vay), không hẳn là Họ quá giàu có, thừa thải về tiền bạc để có thể tùy tiện cho bất kỳ Ai vay, mà nhiều khi vì Họ có tấm lòng rộng lượng, hào sảng, quý trọng tình thân, bạn bè nên đã sẵn sàng cho Người khác (Bên vay) vay khoản tiền ít ỏi mà Họ dành giụm được, nhằm giúp Bên vay giải quyết sự khó khăn về tiền bạc trong những giai đoạn nhất định. Tất nhiên, không loại trừ những trường hợp cho vay, với động cơ không trong sáng, như nhằm ràng buộc tình cảm hoặc những vấn đề khó nói khác, nhưng dạng này không phổ biến, chúng ta cũng không bàn đến ở đây.
Ai trong đời cũng có thể gặp lúc rơi vào hoàn cảnh gian nan, hoạn nạn, không có sẵn tiền bạc, để giải quyết nhưng vấn đề cấp bách, và cần phải vay mượn của Người khác. Cho nên, bản thân việc vay mượn tiền bạc, không có gì là xấu - Bởi ngay cả những tập đoàn lớn, những Ông Chủ ngồi trên chiếc xe hạng sang hàng chục tỷ đồng, nhiều khi vẫn đang nợ đầm nợ đìa các Ngân hàng.
Nhiều Người rất ái ngại khi phải đi vay mượn tiền bạc của Người khác, nhưng vì hoàn cảnh bắt buộc, cực chẳng đã, Họ phải đi nhờ vả. Cho nên, Họ luôn bằng mọi cách cố gẳng để sớm trả được nợ đã vay này - Đây là những Người có tự trọng, có phẩm hạnh, rất đáng tôn trọng. Cũng có những Người thực lòng muốn trả, nhưng rơi vào hoàn cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, tai ương luôn ập đến không thôi, lực bất tòng tâm - Đây là những hoàn cảnh rất đáng thương, cũng cần được sự cảm thông.
Nhưng không hiếm, nếu không muốn nói là khá nhiều trường hợp, mà Kẻ đi vay hoàn toàn có khả năng trả nợ, hàng ngày sống rất sang chảnh, nhưng bằng một kiểu nhận thức nào đó - Họ lại "quên" đi món nợ mà Họ cần phải trả. Khi bị đòi nợ, Họ còn nói giọng khó nghe, mang tính thách thức và khiêu khích, biến Người cho vay (Chủ nợ) trở thành "Kẻ làm ơn mắc oán". Khi lòng tự trọng và liêm sỹ không còn, sự "lầy lội" của Con nợ lên ngôi, thì việc đòi được nợ là vô cùng gian nan, vất vả.
Đứng trước tình thế đó, Bà con ta (Bên cho vay), đôi khi không kiềm chế được sự tức giận, bức xúc, đã có những hành xử vượt khuôn khổ mà pháp luật cho phép, dẫn đến những hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện việc đòi nợ của mình. Chẳng hạn: Với hành vi xô xát, đánh đập Người vay, thì đó là hành vi có dấu hiệu cố ý gây thương tích; Với hành vi đăng tài hình ảnh kèm theo thông tin mang tính chất trút giận, bêu riếu Người vay, thì đó là hành vi có dấu hiệu vu khống, làm nhục Người khác; Với hành vi đe dọa, cưỡng bức về tinh thần và tự ý lấy tài sản của Người vay, thì đó là hành vi có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản.
Về mặt tâm tư, tình cảm, đứng trước cảnh Con nợ sống sang chảnh, xa hoa nhưng cố tình không trả nợ, trong khi Chủ nợ thì lại đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, đi đòi nợ, không đòi được thì chớ, còn bị khiêu khích kiểu "Tao không trả, mày làm gì tao" - Thì việc Bà con ta tức giận, thiếu kiềm chế, là có thể hiểu và thông cảm được. Nhưng không phải vì vậy mà Bà con được quyền trút giận theo mọi cách và được quyền đòi nợ theo kiểu trái luật bằng các phương pháp như vừa nêu trên - Pháp luật không cho phép như thế, vì nếu vậy, thì xã hội sẽ loạn.
Và khi đó, Bà con ta (Bên cho vay), từ Người có quyền đòi nợ, có lợi ích bị thiệt hại, bị xâm phạm cần được pháp luật bảo vệ, trở thành Kẻ vi phạm pháp luật là như thế. Cần lưu ý rằng: Việc Bà còn cho vay tiền là một giao dịch dân sự hợp pháp, khi Người vay không chịu trả tiền, có nghĩa rằng quyền dân sự của Bà con đang bị thiệt hại, thì Bà con chỉ có thể bảo vệ quyền dân sự đó bằng các phương cách mà Bộ luật dân sự quy định.
Cụ thể hơn trong trường hợp này, nếu Bà con đòi nợ, yêu cầu trả nợ mà Người vay không trả, thì Bà con chỉ có thể khởi kiện vụ án dân sự ra Tòa án, để yêu cầu Tòa án buộc Người vay phải trả nợ cho mình. Khi có Bản án đã có hiệu lực của Tòa, nếu Người vay không tự nguyện thi hành, thì Bà con sẽ làm đơn yêu cầu Cơ quan thi hành án tổ chức cưỡng chế thi hành với Người vay có điều kiện thi hành án. Bà con cũng có thể làm đơn tố giác tội phạm ra Cơ quan công an, nếu vụ việc có dấu hiệu của tội danh lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, chẳng hạn như người vay bỏ trốn nhằm chiếm đoạt tài sản vay, hay người vay có điều kiện nhưng cố tình không trả. Tuy nhiên, nếu Người vay khống bỏ trốn, thì việc hình sự hóa từ giao dịch vay dân sự này là rất hiếm.
Nói tóm lại, khi quyền dân sự của Bà con bị xâm phạm dưới hình thức Người có nghĩa vụ dân sự không thực hiện nghĩa vụ. Thì Bà con phải bảo vệ quyền dân sự của mình, theo những phương cách mà luật cho phép. Điều đó cũng có nghĩa rằng, nếu Bà con đòi nợ theo những phương pháp trái luật định, tức Bà con đang có dấu hiệu xâm phạm những quan hệ pháp luật khác, là quyền và lợi ích hợp pháp của Chủ thể khác được pháp luật bảo vệ, thì Bà con lại tự biến mình thành người vi phạm pháp luật. Tất nhiên, những quan hệ pháp luật này là độc lập, nghĩa vụ là độc lập, chỉ có thể bù trừ tương ứng, chứ không phải tất cả. Ví dụ, Ông A nợ ông B 10 tỷ, do Ông A không trả nợ, nên Ông B đã đánh Ông A thương tích 15%, Tòa tuyên Ông B phải đi tù 2 năm, và bồi thường thiệt hại sức khỏe, tinh thần cho Ông A 100 triệu đồng - Dù vậy, Ông A vẫn phải trả nợ 10 tỷ cho ông B, mà không có chuyện xù được khoản nợ này.
Xã hội vốn nhiễu nhương phức tạp, Người tốt nhiều nhưng kẻ xấu cũng lắm. Không ít Người, không những mắc nợ không muốn trả, mà còn sẵn sàng cài bẫy, để cho Bà con vướng vòng lao lý buộc phải thỏa thuận xóa nợ cho Họ, thậm chí là đẩy Bà con vào cảnh tù tội. Vậy nên, Bà con phải hết sức nhẫn nhịn, kiềm chế, tránh những tức giận trước sự khiêu khích, thách thức của đối phương, để không phải rơi vào cảnh tiền mất, tật mang, họa vô đơn chí.......
Từ Ls ĐBK
Điện thoại: 0962613900 Ls Tuấn Thành
Địa chỉ trụ sở: Số 9 đường Trần Phú, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà rịa Vũng tàu
Chi nhánh Bình Dương: số 11 đường Đoàn Thị Điểm (đường số 1), khu phố 4, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương
Website: TTLaw.vn
Email: [email protected]