Luật sư Tư vấn tranh chấp Thừa kế tài sản

Nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, ngoài những vụ tranh chấp đất đai giáp ranh, liền kề giữa hàng xóm thì chủ yếu là tranh chấp di sản thừa kế do ông bà, cha mẹ để lại. Có nhiều gia đình chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng nộp đơn khởi kiện tại Toà; dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn hay thuê người đến doạ nạt, hành hung người nhà… chỉ để nhận lại vài mét đất ruộng, đất ở là di sản mà cha mẹ để lại. Những trường hợp như vậy, dù thắng hay thua, cũng đều để lại nỗi đau tinh thần và cả sức khoẻ cho những người trong cuộc, đáng tiếc hơn là họ đã đánh mất một thứ tình cảm gia đình thiêng liêng lớn lao, không vật chất nào sánh bằng.

Trên phương diện pháp lý, quyền thừa kế là một trong những chế định quan trọng được quy định trong Bộ luật Dân sự 2015, theo đó “Cá nhân có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình; để lại tài sản của mình cho người thừa kế theo pháp luật; hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật”.

Từ quy định trên có thể thấy, mọi cá nhân, không phân biệt nam, nữ, tuổi tác, thành phần, tôn giáo, địa vị chính trị xã hội… đều có quyền để lại tài sản của mình cho người khác, cũng như quyền được hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Trường hợp thừa kế theo di chúc, tức là khi có di chúc của người chết để lại, khi đó việc phân chia di sản phải tuân theo ý nguyện của người lập di chúc đã ghi rõ trong di chúc; còn trường hợp thừa kế theo pháp luật, tức là người chết không có di chúc để lại thì việc phân chia di sản sẽ theo hàng thừa kế, điều kiện và trình tự thừa kế do pháp luật quy định. Nếu phân chia theo pháp luật thì căn cứ vào Điều 651, Bộ luật Dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự từ hàng thừa kế thứ nhất đến hàng thừa kế thứ 3; những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

Để thực hiện và đảm bảo quyền thừa kế của cá nhân, pháp luật dân sự cũng quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự về quyền thừa kế. Cụ thể, theo Điều 623, Bộ luật Dân sự 2015, thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Như vậy, nếu một trong các người thừa kế di sản, có yêu cầu chia di sản thừa kế thì có quyền yêu cầu Tòa án chia di sản trong thời hạn Luật quy định.

Từ những quy định trên có thể thấy, hầu hết những bi kịch trong gia đình liên quan đến tranh chấp di sản thừa kế đều đến từ lỗi của những người đồng thừa kế khi họ không biết xử lý vấn đề cho đúng pháp luật, đạo lý, tập quán. Việc người chết không để lại di chúc hoặc di chúc không hợp pháp thì di sản được phân chia theo Điều 651, Bộ luật Dân sự 2015. Đó là nguyên tắc phân chia theo luật nên khi các bên không tự thống nhất phân chia với nhau được thì dựa vào quy định của điều luật để phân chia, kể cả có nộp đơn khởi kiện tại toà thì tòa án cũng sẽ căn cứ vào điều luật này để phân chia. Mặt khác, lại mất rất nhiều thời gian chờ đợi, hầu tòa và tốn kém thêm án phí, lệ phí, chứ chưa nói tới tình thân bị sứt mẻ.

1. Quyền khởi kiện tranh chấp về phân chia di sản thừa kế.

Để khởi kiện yêu cầu phân chia di sản thừa kế, trước hết cần xác định những ai có quyền hưởng di sản thừa kế. Theo quy định, có hai hình thức thừa kế là: Thừa kế theo di chúc, và thừa kế theo pháp luật.

Người có quyền thừa kế theo di chúc: Là người được chỉ định trong di chúc để nhận phần di sản do người chết để lại.

Người có quyền thừa kế theo pháp luật: Thừa kế theo pháp luật là thừa kế theo hàng thừa kế

Cụ thể theo quy định tại Điều 651 thì những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự như sau:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.”

  • Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
  • Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp về thừa kế

Theo quy định tại Điều 26 BLTTDS năm 2015 thì tranh chấp về thừa kế tài sản là tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.

Căn cứ quy định tại Điều 35, Điều 38 BLTTDS năm 2015 thì những tranh chấp về thừa kế thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp huyện, trừ trường hợp đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài thì tranh chấp sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh.

Lưu ý:

- Đối với những tranh chấp liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế là bất động sản, thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết;

- Trường hợp di sản thừa kế là động sản thì Tòa án có thẩm quyền giải quyết là Toà án nơi bị đơn cư trú, làm việc. Các bên cũng có thể thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc giải quyết tranh chấp.

3. Thời hiệu khởi kiện tranh chấp tài sản thừa kế:

Theo quy định tại Điều 623 BLDS năm 2015:

“Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó”.

Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người có tài sản chết (Điều 611 BLDS năm 2015)./.

 

CÔNG TY TƯ VẤN LUẬT TTLAW Tư vấn Pháp luật và Dịch vụ Doanh nghiệp

 

Điện thoại: 0962613900 Ls Tuấn Thành

 

Địa chỉ: Số 9 đường Trần Phú, thị trấn Phước Bửu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà rịa Vũng tàu

 

Chi nhánh Bình Dương: số 11 đường Đoàn Thị Điểm (đường số 1), khu phố 4, phường Phú Lợi, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

 

Website: TTLaw.vn

 

Email: [email protected]

Nguồn: Luật sư Tuấn Thành
Danh mục: Tư vấn Pháp luật ,