Quyền Thừa Kế Của Người Gốc Việt Nam Định Cư Ở Nước Ngoài Đối Với Di Sản Là Quyền Sử Dụng Đất Tại Việt Nam
QUYỀN THỪA KẾ CỦA NGƯỜI GỐC VIỆT NAM ĐỊNH CƯ Ở NƯỚC NGOÀI ĐỐI VỚI DI SẢN LÀ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT TẠI VIỆT NAM: PHÂN TÍCH VÀ LUẬN GIẢI!
Khác với các Luật Đất đai được ban hành trước đây, Luật Đất đai năm 2024, phù hợp với Luật Quốc tịch năm 2008, khi quy định về quy chế pháp lý liên quan đến quyền sử dụng đất tại Việt Nam của Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, đã chia ra hai nhóm Chủ thể khác nhau:
(i) Một Là – Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, tức là những Người còn có quốc tịch Việt Nam, nhóm Người này hưởng quy chế pháp lý về quyền sử dụng đất hoàn toàn giống với Công dân Việt Nam đang sinh sống trong nước, Hiểu nôm na, Bà con ta ở trong nước có quyền như thế nào, thì Bà con ta ở hải ngoài mà còn quốc tịch Việt Nam, cũng có quyền như thế.
(Ví dụ: Công dân Việt Nam ở trong nước được nhận thừa kế mọi loại đất, thì Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, cũng được nhận thừa kế mọi loại đất như thế - Tức phạm vi hoàn toàn giống nhau).
(ii) Hai là - Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, tức là những Người từng có, nhưng không còn quốc tịch Việt Nam và Con, cháu trong phạm vi 3 đời của Họ, nhóm Người này hưởng quy chế pháp lý về quyền sử dụng đất hẹp hơn, tức ít quyền năng hơn so với Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài, tức là những Người còn có quốc tịch Việt Nam.
Đối với Nhóm người thứ hai (ii) nêu trên, lại được Luật chia thành: Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, được phép nhập cảnh vào Việt Nam và Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, không được phép nhập cảnh vào Việt Nam.
Về nguyên tắc chung, chỉ trong một vài trường hợp thật hạn hữu, hiếm có, với những lý do vô cùng tế nhị, thì một Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài mới không được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Nghĩa rằng thông thường, việc Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, về Việt Nam để thăm Người thân, quê hương, du lịch luôn được khuyến khích và tạo điều kiện. Sở dĩ ở đây, Chúng ta phải nhấn mạnh chi tiết này, vì nó có liên quan đến quy chế pháp lý về quyền hưởng thừa kế của Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài đối với quyền sử dụng đất tại Việt Nam.
1. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, được phép nhập cảnh vào Việt Nam
Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, được phép nhập cảnh vào Việt Nam sẽ được nhận thừa kế quyền sử dụng đất là đất ở (Tức được nhận thừa kế bằng “hiện vật” là đất). Như vậy, nếu di sản là quyền sử dụng đất, nhưng không phải là đất ở, chẳng hạn như là đất trồng cây hàng năm, lâu năm, đất phi nông nghiệp không phải đất ở…. Thì Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, được phép nhập cảnh vào Việt Nam chỉ được nhận giá trị (Hiểu nôm na là chỉ có thể chuyển nhượng lại để lấy tiền hoặc cho tặng, mà không được nhận “hiện vật” là đất).
Ví dụ 1: Anh A là Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Ông B lập di chúc để lại cho Anh A quyền sử dụng đất của một thửa đất ở. Thì Anh A được trực tiếp nhận quyền sử dụng đất này để sử dụng hoặc chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn, cho tặng tức trở thành “Chủ sở hữu” của quyền sử dụng đất này.
Ví dụ 2: Anh A là Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Ông B lập di chúc để lại cho Anh A quyền sử dụng đất của một thửa đất nông nghiệp. Thì Anh A không được trực tiếp nhận quyền sử dụng đất này để sử dụng, mà chỉ có thể chuyển nhượng cho Người khác để lấy tiền hoặc cho tặng, tức không thể trở thành “Chủ sở hữu” của quyền sử dụng đất này.
Tuy nhiên, đối với một thửa đất (Lưu ý là phải trong cùng một thửa đất) có nhiều loại đất, nhưng trong đó có đất ở và đã có nhà ở trên đất ở đó, thì Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, được phép nhập cảnh vào Việt Nam, lại sẽ được nhận thừa kế bằng “hiện vật” toàn bộ thửa đất này.
Ví dụ 3: Anh A là Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Ông B lập di chúc để lại cho Anh A quyền sử dụng đất của một thửa đất, trong thửa đất này vừa có đất ở, vừa có nhà ở trên đất, vừa có đất vườn ao, trồng cây hàng năm, lâu năm... Thì Anh A được trực tiếp nhận quyền sử dụng đất này để sử dụng hoặc chuyển nhượng, thế chấp, góp vốn, cho tặng tức trở thành “Chủ sở hữu” của quyền sử dụng đất này.
Như vậy, Chúng ta có thể rút ra một kết luận, Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, được phép nhập cảnh vào Việt Nam, muốn được nhận thừa kế bằng “hiện vật” quyền sử dụng đất, thì điều kiện tiên quyết là thửa đất đó toàn bộ phải là đất ở hoặc nếu chỉ có một phần đất ở, thì buộc trên đó đã phải có nhà ở; Bằng không, sẽ chỉ được nhận giá trị quyền sử dụng đất mà thôi.
2. Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, không được phép nhập cảnh vào Việt Nam
Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, không được phép nhập cảnh vào Việt Nam trong mọi trường hợp chỉ được nhận thừa kế là giá trị quyền sử dụng đất (Hiểu nôm na là bán lấy tiền hoặc tặng cho), mà không được nhận “hiện vật” là quyền sử dụng đất đó.
Ví dụ 4: Anh C là Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài, không được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Ông D lập di chúc để lại cho Anh C quyền sử dụng đất của một thửa đất. Bất kể thửa đất đó là đất gì, dù đất ở hay nông nghiệp… Thì Anh A đều không được trực tiếp nhận quyền sử dụng đất này để sử dụng, mà chỉ có thể chuyển nhượng cho Người khác để lấy tiền hoặc cho tặng, tức không thể trở thành “Chủ sở hữu” của quyền sử dụng đất này.
Luật Đất đai có quy định thêm rằng - Trong thời gian chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện theo ủy quyền bằng văn bản nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại tổ chức đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính. Mặc dù vậy, trên thực tế khi một Người không được phép nhập cảnh vào Việt Nam, thì mọi thủ tục hành chính và đương nhiên là cả các giao dịch dân sự, buộc phải thực hiện thông qua Cơ chế đại diện, tức ủy quyền cho Cá nhân/Pháp nhân khác thực hiện thay mình.
Viết tại Sài Gòn, ngày 16/08/2024 – Luật sư: Đặng Bá Kỹ!
Nguồn: Luật sư Tuấn Thành